Dù VietGAP được coi là “hộ chiếu” cho hàng nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới nhưng đến thời điểm này, sau 5 năm triển khai, VietGAP dường như chỉ nhận được sự hững hờ của nông dân. Do không có sự hỗ trợ của Nhà nước nên tiêu chuẩn VietGAP vẫn chỉ như “vật trang trí” khi mà nông dân, người tiêu dùng chả mặn mà còn các tổ chức được giao trách nhiệm chứng nhận cho nông dân chỉ coi đây là dịp “kiếm tiền” trên lưng những con người “một nắng hai sương”.
Ngày 28/1/2008, tiêu chuẩn VietGAP đã chính thức được Bộ NN&PTNT ban hành. VietGAP (là cụm từ viết tắt của: Vietnamese Good Agricultural Practices) có nghĩa là “Thực hành sản xuất nông nghiệp an toàn” ở Việt Nam dựa trên 4 tiêu chí như: Tiêu chuẩn về kỹ thuật sản xuất; an toàn thực phẩm gồm các biện pháp đảm bảo không có hóa chất nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch; môi trường làm việc mục đích nhằm ngăn chặn việc lạm dụng sức lao động của nông dân; truy tìm nguồn gốc sản phẩm. Tiêu chuẩn này cho phép xác định được những vấn đề từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, hơn 5 năm qua, Bộ NN&PTNT đã lần lượt ban hành quy trình canh tác VietGAP đối với 5 sản phẩm là rau xanh, trái cây, chè búp tươi, lúa và cà phê. Mục tiêu đặt ra là hướng tới việc triển khai rộng rãi mô hình sản xuất rau quả VietGAP để tạo ra nông sản sạch phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Trồng trọt nhìn nhận, đến cuối năm 2013, tổng diện tích sản xuất rau quả theo VietGAP của cả nước mới có khoảng 14.500ha, trong đó riêng thanh long của Bình Thuận chiếm hơn 7.000ha (gần 50%). Đây là vùng thanh long được đầu tư kỹ theo đúng tiêu chuẩn VietGAP để đảm bảo mục tiêu nâng cao giá trị xuất khẩu. Ngược lại, “trong tổng diện tích hơn 6 triệu ha đất trồng các loại rau, cây ăn quả, chè, lúa và cà phê hiện mới chỉ có 0,3% diện tích được áp dụng VietGAP. Và trong số hơn 14.500ha nông sản VietGAP hiện có thì chỉ có 8.228ha giấy chứng nhận VietGAP còn hiệu lực”, ông Phạm Đồng Quảng cho hay. Ngoài ra, còn hơn 10.000ha nông sản được quy hoạch theo hướng VietGAP nhưng đến nay vẫn không đăng ký chứng nhận. Vải thiều Bắc Giang là một điển hình với hơn 6.000ha đăng ký và tiêu tốn nhiều thời gian, kinh phí để tập huấn, đầu tư cho nông dân nhưng đến nay vẫn “nói không” với VietGAP. Trong khi đó, lãnh đạo Bộ NN&PTNT nhìn nhận, VietGAP hiện nay giống như một “hộ chiếu” quan trọng để nông sản bước ra thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng và rất thuận lợi cho xuất khẩu. Hiện nay, bất kỳ nông sản nào của Việt Nam muốn ra thế giới đều phải có chứng chỉ công nhận tiêu chuẩn sản xuất an toàn theo quy chuẩn chung hoặc riêng.
Lý giải cho việc triển khai sản xuất theo VietGAP vẫn ì ạch như hiện tại, Phó Cục trưởng Phạm Đồng Quảng cho rằng, nguyên nhân vì quy trình dài và phức tạp, chi phí lớn hơn so với sản xuất thông thường, đặc biệt là nông dân không hài lòng với nghịch lý giá cả giữa sản phẩm sản xuất theo VietGAP và sản phẩm sản xuất theo quy trình thông thường. Theo phân tích, nông sản đủ tiêu chuẩn VietGAP phải đầu tư chi phí cao nhưng vẫn phải bán ra với giá rẻ trên thị trường, không cạnh tranh nổi với nông sản sản xuất theo quy trình thông thường. Niềm tin của người tiêu dùng vào nông sản an toàn chưa thực sự bền vững. Bởi vậy, trên khắp cả nước đều xảy ra tình trạng, các địa chỉ kinh doanh nông sản an toàn “chết yểu” sau một thời gian ngắn tồn tại. Thêm nữa, bản thân các tổ chức được giao trách nhiệm chứng nhận cho nông sản an toàn cũng lập lờ. Bằng chứng là khi rà soát 27 tổ chức công nhận VietGAP, Cục Trồng trọt đã phải loại hơn một nửa, đến nay chỉ còn 13 đơn vị đủ điều kiện tiếp tục hoạt động và 6 đơn vị đang trong giai đoạn khắc phục sau đánh giá chỉ định lại |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét