Thứ Ba, 6 tháng 5, 2014

[Giải trí -Đại Đoàn Kết] - Nỗi niềm rối cạn

Nhìn lại chặng đường đã và đang đi cho cả hai thể loại rối cạn và rối nước, đạo diễn gạo cội - họa sĩ Ngô Quỳnh Giao đã không khỏi băn khoăn: Người nghệ sĩ sống với nghề phải có sự đam mê, tìm tòi sáng tạo. Làm sao để khán giả có thể đón nhận như là anh sinh ra để làm nghề Múa rối.



Vở rối nước truyện cổ Andersen do Ngô Quỳnh Giao làm đạo diễn kiêm họa sĩ tạo hình, tác phẩm được biểu diễn tại Pháp Nghịch lý Rối cạn chìm - Rối nước nổi Họa sĩ Ngô Quỳnh Giao cho biết: Có những câu chuyện đi từ rối cạn vào rối nước hơi khó, vì có sự hạn chế trong rối nước. Nhưng việc chuyển từ rối nước vào rối cạn lại rất đơn giản. Tức là rối cạn có thể mang vác biểu hiện được, có thể diễn được những câu chuyện cổ tích, thần thoại rất hay của lịch sử Việt Nam như Tấm Cám, Sơn Tinh Thủy Tinh. Ngoài ra, còn có một số loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống, như Tuồng, Chèo, Cải lương... nghệ thuật sân khấu rối cạn cũng có thể "nhại”, có thể bắt chước được. Hình thức này phổ thông ở rất nhiều nước như Trung Quốc, rối cạn bắt chước kịch. Ông cho rằng, "sự giao lưu của Việt Nam với thế giới bây giờ gần nhau, chặt chẽ lắm. Rối nước các nước khác họ không có, mà họ chỉ có rối cạn. Bởi vậy, nếu Việt Nam học trực tiếp rối cạn thì rất lợi thế”. Tuy nhiên, xem nhiều tiết mục rối cạn trên thế giới mới thấy họ giỏi. Các tiết mục luôn có sự sáng tạo. Còn Việt Nam, riêng ở thể loại rối cạn phải nhìn nhận thực tế là số tiết mục hay vẫn còn rất ít. Vấn đề được quan tâm ở đây là trong thời gian qua, quốc tế chỉ đơn thuần biết đến Việt Nam với "đặc sản” rối nước. Và, rối cạn chưa bao giờ nhận được nhiều sự quan tâm như thế. Nhiều người còn ỷ lại với nghề, chạy theo lợi nhuận trước mắt. Chính vì vậy mà rối cạn bị bỏ bẵng. Mặc dù thời gian này, rối cạn có được các nghệ sĩ quan tâm hơn trước, nhưng vẫn chưa đánh dấu được sự vượt trội cho rối cạn. Điều đáng suy nghĩ là, "rối cạn ở Việt Nam, dù cũng có những trò diễn, có những tiết mục hay. Nhưng, số hay ít hơn số dở”. Theo họa sĩ Ngô Quỳnh Giao, bất cập trong rối cạn Việt Nam, đó là diễn rối cạn mà lại nói rất nhiều. Trong khi khách quốc tế bất đồng ngôn ngữ, họ không thể hiểu anh nói gì. Mà khi đã không hiểu thì sẽ không thấy hay! Đấy là chưa kể đã đi ngược lại với ngôn ngữ nghệ thuật của múa rối. Ngôn ngữ nghệ thuật của múa rối thực chất là không có lời. Khán giả đến để xem tài biểu diễn của các nghệ sĩ chứ không đến để nghe. Chúng ta đã không nghĩ ra nhiều trò hay, lạ thì thế giới cũng sẽ không quan tâm nhiều và quay lưng lại với rối cạn Việt Nam. Dần dần rối cạn sẽ bị "chìm”!
Vở rối cạn "Mã đáo thành công” Luôn cần người tâm huyết Họa sĩ Ngô Quỳnh Giao cho biết, điều cần nhất của người nghệ sĩ là tâm huyết với nghề. Để có nền rối phát triển đồng hành giữa rối cạn và rối nước, điều cần quan tâm là yếu tố con người. Đầu tiên vẫn phải cần đến những người yêu nghề, có tâm với nghề. Thứ hai là cần có người tài. Bởi nghệ thuật không phải là loại nghề ai cũng làm được, mà một số người có năng khiếu, có khả năng. Họ học tập, rèn luyện chăm chỉ thì mới thành công, chứ không như các ngành nghề đơn giản khác về nghề kĩ thuật. Phải làm sao để khi anh đã thành công trong nghề, khán giả cũng như đông đảo quần chúng thấy được "hình như anh sinh ra để làm nghề này”. "Giống như tôi cảm giác có một số người sinh ra để vẽ, có người sinh ra để hát, họ không thể làm được nghề khác”. Đương nhiên, gồm nhiều yếu tố về năng khiếu, về tài năng, say mê, kiên nhẫn rèn luyện và không cầu lợi. Ông bảo, trong nghệ thuật, muốn cầu lợi hoặc coi như là dụng cụ để sinh sống thì suy nghĩ ấy chưa chính xác. Mình phải hi sinh cho nghề, hết lòng vì nghề thì nghề sẽ không phụ mình. Tự nhiên anh sẽ có lợi, sẽ có thành công, có kết quả không lường được như câu tục ngữ nước ngoài nói: anh hãy cứ kiên nhẫn kiếm củi đi, một lúc nào đó đống củi bùng cháy lên mà chính anh cũng ngạc nhiên. Thế thì hãy hết lòng với nghề, với nghệ thuật thì sẽ được đền đáp. Người họa sĩ già đưa ra ví dụ về những người nghệ nhân các phường rối Thạch Thất, Hải Dương - những nghệ nhân đã sống mấy chục năm trong nghề Múa rối. Mỗi buổi biểu diễn chỉ "đút túi” được mấy chục nghìn nhưng vẫn luôn say mê nhiệt huyết, tìm tòi sáng tạo những cái mới cho vở diễn. Bởi điều họ quan tâm là làm sao đem được niềm vui đến cho khán giả, làm sao cho nghề rối được phát triển trường tồn và gìn giữ truyền thống của cha ông. Huyền Trang

0 nhận xét:

Đăng nhận xét