Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

[Thế giới-ANTGCT] - Cuộc chiến truyền thông

Một cựu lãnh đạo Cục Tình báo Trung ương Mỹ từng có câu phát ngôn “bất hủ” hàm ý: Một máy quay truyền hình có sức mạnh bằng bảy sư đoàn lính! Theo trang web Nga Pravda.ru, những gì diễn ra xung quanh Ukraina thời gian gần đây đã thêm một lần chứng minh sự thật trần trụi của nhận định này.

Có lẽ trong hơn hai thập niên qua chưa bao giờ phương Tây lại triển khai một cuộc chiến truyền thông dữ dội và toàn diện như thế để chống lại nước Nga với sự tham gia của cả đông đảo những mạng xã hội và các tổ chức phi chính phủ.

Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, phóng viên trang web Pravda.ru đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư Vladimir Dobrenkov, Trưởng khoa Xã hội học của Trường Đại học Tổng hợp Moskva mang tên Mikhail Lomonosov, Chủ tịch Hiệp hội Xã hội học Liên bang Nga.

- PV: Không rõ mức độ dự kiến trước của các sự kiện ở Ukraina đã ở trong trạng thái nào? Bởi lẽ, rất nhiều người đã có ấn tượng rằng, mọi chuyện ở đấy đã diễn ra một cách uể oải, được chăng hay chớ. Vậy mà đến một thời điểm nào đó lại bùng lên rất mạnh mẽ...

- Giáo sư Vladimir Dobrenkov: Hiển nhiên rằng đó là những sự kiện đã được trông đợi trước. Kết luận chính được rút ra là: Phương Tây, dẫn đầu là Hoa Kỳ, có thái độ cực kỳ thù địch đối với nước Nga. Tôi rất muốn công khai nói về điều này, rằng, Hoa Kỳ đối với nước Nga không phải là một đối tác chiến lược gì cả, không phải bạn bè, không phải anh em gì cả. Đó là kẻ thù số một về mặt định danh, bởi vì Hoa Kỳ luôn muốn thiết lập quyền bá chủ trên toàn thế giới, một ách độc tài. Và trở ngại chính trong con đường của họ chỉ là nước Nga. Ở thời điểm hiện tại đang quyết định số phận chiến lược của toàn thế giới nói chung. Thái độ thù địch và căm hận đối với nước Nga mang tính bệnh lý trong ý nghĩa đầy đủ nhất của từ này.


Một người biểu tình bên đống chướng ngại vật được dựng lên ở Quảng trường Độc Lập (Kiev).

Bản tính của những người đang quyết định chính sách Mỹ hiện nay mang tính tâm thần phân liệt một cách bệnh lý. Tôi sẽ không nói khác. Bởi vì tất cả bọn họ nhìn thấy ở bất cứ nơi nào cũng thấy được lợi ích quốc gia của họ - ở Iraq, Iran, Nam Tư, Sudan, Libya, v.v và v.v... Họ không nghĩ rằng, bất kỳ một nước nào khác cũng đều có chủ quyền và nền độc lập, cũng đều có những ưu tiên quốc gia của mình. Ukraina - đó là một vùng lãnh thổ cũ của Liên Xô trước kia. Đó là nơi đang cư trú của những người Nga, những người Ukraina - về bản chất cũng chỉ là một dân tộc. Và Ukraina, nói đúng hơn là Kiev, chính là cái nôi của nền văn minh Nga La Tư. Và tất nhiên, đó chính là lợi ích quốc gia của người Nga chúng ta. Chúng ta không thể nào thờ ơ được.

Trong hai thập niên qua, người Mỹ đang cố gắng thiết lập đầy đủ ách chuyên chế lên trên tất cả các quốc gia khác. Nếu chúng ta nhìn vào tất cả những gì đang xảy ra trên thế giới, thì tôi tin rằng, đã từ lâu rồi diễn ra chiến tranh - cuộc chiến tranh thế giới thứ ba. Nhưng đó là một cuộc chiến tranh kiểu mới - cuộc chiến tranh tuyên truyền và tâm lý chống lại Ukraina, chống lại nước Nga, chống lại tất cả các quốc gia đang bảo vệ độc lập và chủ quyền, cả về lãnh thổ lẫn chính trị, với công nghệ hiện đại, như truyền hình và đặc biệt là mạng Internet, những thứ không bao giờ cần bắn một viên đạn nào vẫn có thể đô hộ được nước khác bằng cách làm băng hoại ý thức của con người.

- Thế thì ở đâu cái gọi là tự do trao đổi thông tin, tự do ngôn luận?

- Những dòng thác thông tin này chẳng có gì chung với tự do ngôn luận. Cần lưu ý là hàng loạt những cấu trúc dưới hình thái các tổ chức phi chính phủ đều ủng hộ những lời công kích của phương Tây. Sự việc này dẫn đến kết luận rằng các tổ chức đó đang hoạt động như những điệp viên gây ảnh hưởng và các công cụ của một cuộc chiến tranh tâm lý. Tại Ukraina đang có rất nhiều các tổ chức phi chính phủ! Các nhà nghiên cứu đã nêu ra hiện tượng này nhưng người ta đã cố tình mũ ni che tai. Người ta đã để cho các tổ chức phi chính phủ đó mọc lên như nấm sau mưa và hoành hành khi xuất hiện những tình huống khủng hoảng. Và các tổ chức đó đã mặc sức thao túng ý thức cộng đồng. Ví dụ, ở Ukraina năm ngoái, cả các tổ chức phi chính phủ lẫn các phương tiện thông tin đại chúng đã mặc sức lan truyền ý tưởng về việc gia nhập Liên minh châu Âu; khu vực phía đông nam nói tiếng Nga đã dửng dưng với nó nhưng khu vực phía tây và khu vực trung tâm của Ukraina đã bị kích động đến độ cực đoan. Và đến một thời điểm thích ứng, khi ông Yanukovych (nguyên Tổng thống Ukraina) từ chối ký vào văn kiện có liên quan, ý tưởng đó đã trở thành ngòi nổ, dẫn tới nguyên nhân khiến bùng phát biểu tình ở quảng trường Maidan.


Người dân mang cờ Nga diễu hành qua các đường phố tại Crimea.

- Và điểm chung đã là việc nước Nga bị thất bại trong cuộc chiến tranh thông tin...

- Tới thời điểm gần đây thì đúng là như vậy. Bởi vì các phương tiện truyền thông đã luôn là khu vực thao túng của những phần tử theo chủ nghĩa tự do. Họ sử dụng tiền công vào việc nguyền rủa các chính sách nhà nước và cá nhân các nhà lãnh đạo quốc gia. Các ví dụ về việc này thì tất cả đều đã biết rõ rồi. Nhưng ở trong trường hợp với Ukraina thì họ đã hành xử theo kiểu khác hẳn, cả khi hướng tới công chúng ở trong nước Nga lẫn khi hướng tới cộng đồng quốc tế. Tất nhiên, theo ý kiến của tôi, cần phải tự hoàn thiện, đặc biệt là trong việc xây dựng các luận cứ và trong việc nghiên cứu các nhóm xã hội, qua việc áp dụng các phương pháp đặc thù.

- Vai trò của nhà nước nên được gia tăng hay chủ yếu vẫn phải dựa vào xã hội dân sự?

- Ở nước ta những người theo chủ nghĩa tự do gọi xã hội dân sự là một nhóm nhỏ những người cùng một giuộc với hạt nhân thân Mỹ ở trong đầu. Không thể nào tin vào cái thứ như thế. Còn ở quốc gia ta hiện đang có cơ cấu khoa học, phân tích, quyền lực có nhiệm vụ phải đảm bảo an ninh thông tin. Và có những năng lực kỹ thuật để không cho những thông tin nào đó lọt vào không gian của chúng ta. Đây là một nhiệm vụ vào hàng tối quan trọng.

Và một vấn đề khác - đó là việc tuyên truyền phản công. Đấy, mới đây một nghị sĩ nổi tiếng người Italia, ông Giulietto Chiesa, đã phát biểu trên đài phát thanh: Chúng tôi, những thành viên của quốc hội Italia không hề biết rõ những gì đang diễn ra ở Ukraina. Và nhiều người khác cũng không biết những gì đang xảy ra bây giờ liên quan tới các sự kiện đó. Thế mà, nói một cách hình ảnh, từ bất cứ một cái bàn là sắt nào ở châu Âu cũng phát thanh ra rằng, nước Nga là kẻ xâm lược, đang thôn tính Crimea... Và công chúng ở đó đã nuốt lấy nuốt để những thông tin như thế và rất tin đó là sự thật. Ai cũng rõ rằng, khi được tuyên truyền dai dẳng và nhất quán theo một hướng nào đó tác động lên trí tuệ và tư duy của người dân trong nhiều năm thì rốt cuộc họ sẽ đánh mất khả năng cưỡng lại tác động từ bên ngoài. Và khi đó, nếu bắt đầu những hoạt động quân sự giả như chống lại nước Nga thì người dân họ sẽ nói rằng, chúng tôi không đồng tình với quan điểm là phải chống lại ngoại xâm. Đấy đang là cuộc đấu tranh để giành lấy những cái đầu...

Hiện đang diễn ra cuộc đấu tranh nô dịch hóa con người, thao túng ý thức của các công dân; công nghệ đã cho phép thực hiện được việc này. Đối tượng số 1 trong dòng thác thông tin thế giới chính là nước Nga. Vậy nên cả quốc gia ta, cả bộ máy nhà nước cần phải tổ chức chống lại cuộc xâm lược thông tin; đấy là yếu tố sống còn của đất nước.

- Một trong những chủ đề cuối cùng liên quan đến việc sáp nhập Crimea vào Nga mà những nhà tuyên truyền phương Tây đang lợi dụng, đó là cô lập nền kinh tế có vẻ như sẽ sống dở chết dở của Nga nếu thiếu quan hệ làm ăn với châu Âu và Mỹ...

- Châu Âu muốn trừng phạt chúng ta bằng cách loại chúng ta ra khỏi các cấu trúc của họ. Cũng được thôi, chúng ta cũng đâu có cần phải có mặt ở đó. Niềm tin vững chãi của tôi là: tự cung tự cấp một cách hợp lý, không cách ly hoàn toàn, tự cung tự cấp thì chúng ta không những sẽ sống sót mà còn chiến thắng! Điều này sẽ cho phép chúng ta tập trung mọi nguồn lực vào việc phát triển nền kinh tế của mình. Và nó không chỉ là nền công nghiệp, mà còn cả nông nghiệp, thứ mà trong thực tế hiện chúng ta đang bị lơ là. Bây giờ chúng ta đang trong tình cảnh ngồi trên mũi kim, chúng ta đang phải nhập khẩu tới 65-85% nông sản. Nếu chúng ta đầu tư vào nông nghiệp, thì chúng ta sẽ có đủ lương thực thực phẩm để khỏi chết đói và có cả nguyên liệu cho công nghiệp. Và thậm chí là chúng ta còn có thể nuôi ăn toàn thế giới. Tất cả những gì đang diễn ra hiện nay chính là bài học đối với chúng ta...


0 nhận xét:

Đăng nhận xét