Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

[Nhà đất-QĐND] - Cắt giảm đầu tư phải tính đến đặc thù vùng miền

QĐND - Từ khi tái lập tỉnh Bắc Kạn năm 1997, hệ thống đường tỉnh, đường huyện đã được đầu tư xây dựng khá tốt. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, các tuyến đường đều có nhiều đèo dốc, nhiều khúc cua nguy hiểm, nên việc tiếp tục nâng cấp đường, cắt cua trên một số tuyến là cần thiết.

Theo Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bắc Kạn Đào Kiên Cường, từ năm 2011, tỉnh có nhiều dự án giao thông, đặc biệt là Quốc lộ 3B và các tuyến Tỉnh lộ 257, 258, 258b, 254, 255 đều được phê đuyệt đầu tư nâng cấp lên đường cấp 4 miền núi. Tuy nhiên, do thực hiện tái cơ cấu trong lĩnh vực đầu tư công đối với lĩnh vực giao thông vận tải, Quốc lộ 3B và một số tuyến tỉnh lộ 257, 254, 255, 258b… bị giảm, giãn tiến độ gây khó khăn trong việc lưu thông giữa các huyện, đặc biệt là việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp truyền thống như dong riềng, gừng, cam quýt… ở những xã có tuyến đường đi qua.

Tại xã Tân Sơn của huyện Chợ Mới, trong mùa thu hoạch gừng, do Quốc lộ 3B làm dở dang, đi lại khó khăn nên thương lái không vào tận nơi để mua, người dân phải vận chuyển bằng xe máy, bằng ngựa thồ ra tận Quốc lộ 3, cách trung tâm xã trên 10km nên vừa mất công, vừa mất giá. Tương tự, cam, quýt của xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông cũng khó bán khi tuyến đường tỉnh 257 thi công chưa hoàn chỉnh; người dân các xã Côn Minh, Hữu Nghĩa, Lam Sơn… vào mùa thua hoạch dong riềng rất khó khăn cho vận chuyển, đặc biệt là dong riềng năng suất cao, mỗi héc-ta đạt từ 70 đến 120 tấn củ nên giao thông là rất quan trọng.

Tuyến đường 258B, nối từ huyện Ba Bể lên huyện Pác Nặm, do cắt giảm đầu tư nên thi công nham nhở, việc lưu thông trên tuyến đường này gần như tê liệt do rất khó đi qua các điểm đèo cao, đất đá gồ ghề, đến xe chở khách cũng còn bỏ tuyến không dám đi. Bí thư Huyện ủy Pác Nặm Hoàng Kim Hồng chia sẻ: “Không làm thì còn có đường để đi, làm đường theo kiểu “bỏ con giữa chợ” thế này chỉ "chết" dân. Bản thân cán bộ huyện về tỉnh họp đều phải đi đường tránh, xa hơn 10km nhưng vẫn còn nhanh hơn đi trên đường 258B”.

Ngoài việc lưu thông khó khăn, việc các tuyến đường thi công dở dang nên gồ ghề, bụi mù mịt khi trời nắng, lầy lội khi mưa về, rất dễ xảy ra tai nạn giao thông. Phần lớn những người khi tham gia giao thông trên các tuyến đường 257, 254, 255, 258b… bất kể trời mưa hay nắng đều phải mặc quần áo mưa, nếu không thì quần áo lấm lem.

Chủ trương của Chính phủ giảm, giãn đầu tư một số công trình để tập trung cho các công trình trọng điểm là cần thiết. Tuy nhiên, phải xét đến đặc thù vùng miền, nhất là các tỉnh miền núi, chỉ có những trục đường chính liên kết các vùng kinh tế nên khi thi công dở dang các tuyến đường là chia cắt các mối liên kết, ảnh hưởng đến phát triển tổng thể của cả nền kinh tế nói chung và từng vùng nói riêng.

Ông Lăng Văn Hòa, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bắc Kạn cho biết, việc đầu tư theo quy hoạch, đề án, chương trình đã phê quyết đối với giao thông Bắc Kạn là rất khó khăn, nếu không được Trung ương hỗ trợ vốn. Bắc Kạn là tỉnh miền núi, chỉ có các tuyến đường cấp 3, cấp 4 miền núi nên kêu gọi đầu tư tư nhân là không khả thi.

NGUYỄN TRÌNH

0 nhận xét:

Đăng nhận xét