Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

[Nhà đất-Nhà báo & Công luận] - Xã hội hóa đầu tư khu vui chơi, dịch vụ công cộng: Cả ba bên đều lợi!

(congluan.vn) - Theo Đề án quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được UBND thành phố phê duyệt, hiện nay diện tích công viên, cây xanh tính trên đầu người đang rất thấp. Vì vậy, thành phố sẽ có cơ chế để huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống cây xanh đô thị.

“Cuộc chơi” ngàn tỷ UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tổng kinh phí đầu tư xây dựng cho hệ thống cây xanh đô thị dự kiến khoảng trên 270 nghìn tỷ đồng với diện tích hơn 13,5 nghìn ha. Trong đó mức kinh thí đầu tư giai đoạn 1 - đến năm 2030 trên 51 nghìn tỷ đồng.
Một góc công viên Yên Sở (Hà Nội) UBND TP Hà Nội nhận định, thời gian qua thành phố luôn quan tâm, dành nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa đầu tư nhằm cải tạo và xây dựng mới nhiều công viên, cây xanh, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nguyên nhân có nhiều, như thiếu nguồn lực đầu tư, thiếu quỹ đất… TS.KTS Lương Tú Quyên, TS.KTS Đỗ Thị Kim Thành- Đại học Kiến trúc Hà Nội- cho rằng, từ năm 1994, khái niệm khu đô thị mới bắt đầu xuất hiện ở nước ta gắn liền với sự ra đời của một số khu đô thị điển hình như Định Công, Bắc Linh Đàm, Trung Yên. Ban đầu, các khu đô thị mới được coi là một của kiểu mẫu của môi trường sống hiện đại, tiện nghi, an toàn và sang trọng. Tuy nhiên, không lâu sau đó, những bất cập của các khu đô thị mới bắt đầu bộc lộ mà thiếu không gian xanh, thiếu các dịch vụ tiện ích là một trong số đó. Trong các vườn hoa, cây xanh vốn đã hiếm hoi của khu đô thị, những loại cây ngoại nhập như cau vua, chuối rẻ quạt, cỏ Nhật... được trồng tràn lan mà bỏ qua điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng cũng như cảnh quan đô thị truyền thống khiến cho việc người dân được thụ hưởng không gian xanh đúng nghĩa thật là khó. Theo UBND thành phố Hà Nội, quy hoạch công viên, cây xanh nhằm thực hiện Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch các phân khu đô thị trên địa bàn Thành phố. Mục tiêu của quy hoạch là đầu tư phát triển hệ thống công viên, cây xanh, hồ nước; cải tạo, nâng cấp hệ thống công viên, vườn hoa, hồ nước hiện có trong đô thị đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, nghỉ ngơi của nhân dân, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng theo phương thức xã hội hóa. Ngoài nguồn vốn ngân sách, thành phố cũng sẽ có cơ chế chuyên biệt để huy động các nguồn lực đầu tư. Thực hiện quy hoạch, Thủ đô sẽ cần huy động nhiều nguồn lực. Ngoài nguồn vốn ngân sách, thành phố cũng sẽ có cơ chế chuyên biệt để huy động các nguồn lực đầu tư trong đó có việc xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, khai thác công viên cây xanh. Cần khuyến khích xã hội hóa Trên thực tế, tại nhiều địa phương, việc xã hội hóa điểm vui chơi giải trí đã được thực hiện và đem lại hiệu quả xã hội khá khả quan. Đó là Nhà nước không phải đầu tư từ ngân sách, người dân được thụ hưởng còn doanh nghiệp có nguồn thu từ vận hành, quản lý các khu vui chơi này. Như ở Hải Phòng với khu giải trí New Space bên hồ An Biên, tại đây có khu thể thao cho người lớn, khu vui chơi cho trẻ em với phòng chiếu phim 3D hiện đại. Nơi đây cũng trở thành nơi dừng chân nghỉ mát ngắm cảnh cho khách du lịch và người đi dạo quanh hồ. Ở Đà Nẵng cũng có gia đình ông Võ Thành Trung (quận Hải Châu) đang là chủ sở hữu 5 điểm vui chơi đối với cả trẻ em và người lớn là Nhà văn hóa Lao động thành phố, phường Hòa Khánh Nam, Nhà trẻ Tiên Sa, chợ Cẩm Lệ, công viên Thanh Bình. Chính quyền TP Đà Nẵng cũng có chính sách khuyến khích người dân đầu tư xây dựng khu vui chơi bằng việc tạo điều kiện thuận lợi về địa điểm, hỗ trợ về chi phí thuê mặt bằng... Trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đã có khá nhiều mô hình xã hội hóa khu vui chơi, nghỉ ngơi, sinh hoạt cộng đồng thành công, đem lại ý nghĩa xã hội lớn lao. Chẳng hạn, dự án khu vui chơi ngoài trời tại công viên Nghĩa Đô và Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) hoàn thành đã đáp ứng khá tốt nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân khu vực dự án và phụ cận. Đại diện UBND quận Cầu Giấy cho biết, nhờ phương pháp xã hội hóa mà quận đã có thêm 2 khu vui chơi ngoài trời cho trẻ em tại Công viên Cầu Giấy tổng vốn hơn 3 tỷ đồng đồng và Công viên Nghĩa Đô hơn 5 tỷ đồng. Hàng ngày, khu vui chơi ngoài trời Công viên Nghĩa Đô đón trên 2.000 lượt trẻ và ngày cuối tuần đón hơn 5.000 lượt trẻ em đến vui chơi. Từ thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng, hướng đi được cho là phù hợp, có tính khả thi đó là huy động nguồn lực xã hội hóa cho công tác này. Thực tế cũng cho thấy, ở nhiều nơi, những điểm vui chơi có cung ứng dịch vụ phụ trợ như trò chơi điện tử, chiếu phim... do Nhà nước đầu tư thường không phát huy tác dụng, thì việc xã hội hóa các điểm vui chơi chính là cách làm hay, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét