Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

[Kinh tế-Chinhphu.vn] - “Tiếp viên buôn lậu” - Khoan vội nặng lời

(Chinhphu.vn) - Cả người Việt và người Nhật đều rất ghét việc ăn cắp, buôn lậu. Thế nhưng tình trạng này vẫn diễn ra, nếu không muốn nói là ngày càng phát triển. Tại sao?


Sữa xách tay từ Nhật Bản luôn được các trang bán hàng cung cấp với số lượng lớn. Nguồn: Internet
Người Nhật ghét nhất là ăn cắp. Cũng phải thôi, ở một đất nước gần như không có tội phạm, người dân không hoặc ít đề phòng với kẻ gian, thì việc ăn cắp là một cái gì đó quá kinh khủng. Những người Nhật mà tôi có dịp trò chuyện trong những ngày qua đều hỏi về việc tiếp viên Vietnam Airlines (VNA) bị tạm giữ vì tình nghi vận chuyển hàng hóa ăn cắp. Họ nói thẳng, không chấp nhận được việc ăn cắp hàng hóa rồi vận chuyển về Việt Nam bán kiếm lời.

Nguyên tắc của người Nhật là không “cầm nhầm” những gì không phải của mình. Nếu bạn không may rơi hoặc quên đồ ở đâu đó, thì khả năng tìm lại gần như là chắc chắn dù đó là món đồ giá trị. Các cửa hàng, siêu thị tại Nhật cũng có lắp camera giám sát, nhưng chủ yếu là để kiểm soát nhân viên chứ không phải khách hàng.

Người Việt ta cũng thế, rất dị ứng với hành động ăn cắp. Những chỉ trích, phê phán của cộng đồng về hành vi của tiếp viên VNA trong những ngày qua đã cho thấy điều đó.

Bài viết này không nhằm bảo vệ hay đổ lỗi cho ai, chỉ xin góp một góc nhìn để trả lời câu hỏi: Tại sao?

Tâm lý thích hàng xách tay

Với người Việt Nam, hàng hóa Nhật Bản luôn đồng nghĩa với chất lượng cực tốt, cực bền. So với hàng hóa xuất xứ từ những nơi khác, dòng chữ “Made in Japan” luôn nhận được sự ưu ái đặc biệt.

Giờ đây, việc tìm mua những mặt hàng tiêu dùng do Nhật Bản sản xuất trở nên dễ dàng hơn. Daiso, nhà bán lẻ hàng đầu Nhật Bản, đã lặng lẽ mở hàng chục cửa hàng trên khắp cả nước chỉ sau vài năm có mặt tại thị trường Việt Nam. Cùng với đó là các thương hiệu bán lẻ khác như Hachi Hachi, Tokutokuya đã cung ứng nguồn hàng hóa xuất xứ Nhật Bản tương đối lớn ra thị trường.

Cùng với đó là kênh vận chuyển nhỏ lẻ theo hành khách, hay còn gọi là hàng xách tay. Đó có thể là hàng do những người đang sống hoặc đi du lịch tại Nhật, hay những tiếp viên của các hãng hàng không mang về sau mỗi chuyến đi. Dù không có thống kê chính thức, nhưng có thể thấy kênh xách tay mới là nguồn cung cấp hàng Nhật chủ yếu ra thị trường trong nước. Lợi thế lớn nhất của loại hình này là sự đa dạng, thỏa mãn tối đa nhu cầu của từng người tiêu dùng.

Tại Hà Nội và những thành phố lớn, giờ đây đã có nhiều bà mẹ nuôi con hoàn toàn bằng sữa Nhật xách tay. Nếu tính trung bình mỗi tuần 1 hộp, mỗi tháng là 4, và mỗi năm là 52 hộp sữa/trẻ em. Như vậy chỉ riêng kênh xách tay, mỗi năm đã cung cấp ra thị trường hàng ngàn hộp sữa. Nhiều người sử dụng dầu gội đầu, bộ mỹ phẩm cao cấp Shiseido, tảo xoắn, hay mặc quần áo giữ nhiệt, siêu nhẹ của Uniqlo hằng ngày. Phần lớn lượng máy ảnh, ống kính máy ảnh cao cấp trên thị trường đều là hàng xách tay. Cùng với đó là sở thích ăn bánh Mochi, Socola tươi, trà xanh… hay dùng bấm móng tay, bỉm cho trẻ em… sản xuất tại Nhật Bản. Có cảm tưởng, người tiêu dùng cần món hàng gì từ Nhật Bản đều được đáp ứng.


Gần đây, các siêu thị Nhật đã bắt đầu tăng cảnh báo với khách hàng về việc lắp đặt các hệ thống camera chống trộm cắp. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Cạnh tranh

Khi nguồn cung cấp hàng xách tay dồi dào hơn, cuộc cạnh tranh giữa những người bán cũng vì thế trở nên căng thẳng, quyết liệt hơn. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt cửa hàng, website bán hàng xách tay trực tuyến nở rộ. Với cụm từ “bán hàng xách tay Nhật Bản”, người viết tìm ra 320.000 kết quả. Còn nếu tìm với cụm từ “bán sữa xách tay Nhật” thì kết quả còn lớn hơn nhiều. Ấy là chưa kể đến những cửa hàng tại nhà, chỉ bán cho những người quen biết. Nhiều bạn bè của tôi tại Nhật cũng tranh thủ mua gom hàng rồi gửi về Việt Nam bán.

Nhưng việc kinh doanh là không hề đơn giản.

Một nguyên tắc được thừa nhận là hàng xách tay cùng hãng, cùng chủng loại có chất lượng ngang nhau. Khi đó giá cả, khả năng đáp ứng nguồn hàng là tiêu chí cạnh tranh quan trọng nhất. Mà với hàng xách tay, khi những yếu tố như giá gốc, chi phí vận chuyển là gần như cố định, thì để cạnh tranh về giá, trong khi vẫn giữ được lợi nhuận, người ta chắc chắn phải tìm đến sự gian dối nào đó.

Câu chuyện giá sữa là một ví dụ. Do là mặt hàng được Nhà nước trợ giá, nên giá sữa tại Nhật Bản gần như cố định dù mua ở bất kỳ đâu. Một hộp sữa trẻ em Meiji số 9 giá 1.480 yên (giá trước ngày 1/4), tương đương khoảng 304.000 đồng, phí vận chuyển bằng đường xách tay khoảng 150.000đ/hộp, được rao bán tại Việt Nam với mức giá dao động từ 450.000-580.000 đồng. Như vậy, với mức giá thấp nhất, gần như người bán sẽ lỗ hoặc không có lời.

Đáng chú ý, những nơi bán giá thấp thường có khả năng cung ứng số lượng lớn, bao nhiêu cũng có. Để có được nguồn hàng dồi dào, chắc chắn họ phải chủ động được cả khâu thu gom và vận chuyển, phổ biến qua đường hàng không.

Không quy kết rằng hễ cứ cạnh tranh giá cả là phải có sự gian dối, nhưng rõ ràng câu chuyện giá sữa nêu trên là có vấn đề.

Không ai quản lý

Vậy nhưng hình như việc kinh doanh hàng xách tay không chịu bất cứ sự quản lý nào của cơ quan chức năng. Không ai đảm bảo nguồn gốc, chất lượng của hàng hóa. Tất cả dựa trên sự thỏa thuận, tin tưởng lẫn nhau giữa người bán và người mua.

Trong cộng đồng người Việt tại Tokyo nói riêng và tại Nhật nói chung, từ khá lâu rồi đã tồn tại câu chuyện về những đường dây chuyên bán đồ ăn cắp với giá chỉ bằng một nửa, thậm chí 1/3. Gọi là đường dây, vì nó được tổ chức bài bản, có người chuyên đi lấy, người chuyên thu gom, người chuyên vận chuyển, người chuyên tiêu thụ. Tất nhiên những câu chuyện như vậy chỉ ở dạng tin đồn, không có bằng chứng cụ thể.

Một sự thật khác cũng khá rõ ràng là việc vận chuyển hàng hóa về Việt Nam theo kênh tiếp viên hàng không cũng trở nên bài bản. Giá vận chuyển với hàng hóa thông thường khoảng 7 USD/kg, có thể thay đổi tùy trường hợp cụ thể. Hàng sẽ được gửi tận tay tiếp viên khi họ đang chờ bay chuyến tiếp theo.

Mỗi tiếp viên thường chỉ nhận vận chuyển cho một vài mối ruột. Do hợp tác với nhau dựa trên sự quen biết, nên gần như tiếp viên cũng không quan tâm xem món hàng họ vận chuyển có phải là hàng ăn cắp hay không.

Rồi đây Vietnam Airlines sẽ phải trả lời dư luận và cơ quan chức năng xem liệu có kẽ hở nào đó trong việc quản lý phi công, tiếp viên hay không.

Xin khẳng định rằng, không phải tất cả hàng xách tay đang bán trên thị trường đều do tiếp viên hàng không vận chuyển. Và cũng không ai biết bao nhiêu phần trăm trong số đó là hàng ăn cắp, buôn lậu. Nhưng chắc hẳn không phải tất cả hàng xách tay trên thị trường đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được mua bán, vận chuyển hợp pháp.

Một cách sòng phẳng, chúng ta, trong cương vị người tiêu dùng, cũng không hề vô can trong câu chuyện bị đánh giá là đáng xấu hổ này. Một khi mọi người vẫn tìm mua những món hàng xách tay giá rẻ “bất ngờ”, thiếu nguồn gốc, thì sẽ còn có thêm những “tiếp viên buôn lậu”.

Xuân Tuyến


0 nhận xét:

Đăng nhận xét