Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

[Thế giới-SGGP] - Hướng Đông

Nước Nga đang bận rộn để giảm bớt khả năng gây tác hại của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây do sáp nhập Crimea. Vì vậy, xu hướng tăng cường làm ăn với châu Á đã trở thành lựa chọn mang tính quyết định của Nga.



Trên thực tế, việc Nga tích cực phát triển mối quan hệ với khu vực Đông Á đã có ngay cả trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine nhưng vấn đề giờ đây trở nên cấp bách hơn. Tháng 9-2013, Nga thông qua chương trình phát triển của vùng Viễn Đông trong nỗ lực kích thích tăng trưởng. Tờ Kommersant dẫn lời một quan chức trong Chính phủ Nga xem mối quan hệ Nga - châu Á là một trong những chính sách “bảo hiểm tốt nhất” khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế Nga. Các nước Đông và Đông Nam Á là những thị trường phát triển nhanh nhất đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Nga: nhiên liệu hóa thạch, kim loại, hóa chất… Mặc dù quan hệ thương mại giữa Trung Quốc với Nga không lớn hơn với EU nhưng từ năm 2009, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Nga.

Trở ngại lớn nhất đối với Nga trong việc phát triển thương mại với Trung Quốc là thiếu cơ sở hạ tầng. Đường ống dẫn dầu đầu tiên và duy nhất từ Nga sang Trung Quốc được hoàn thành vào năm 2010. Phó Thủ tướng Nga phụ trách vùng Viễn Đông, ông Yuri Trutnev, đã yêu cầu Chính phủ Nga cung cấp 4,7 tỷ USD trong vòng 5 năm để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng ở đây như nhà máy lọc dầu, đường sắt, đường ống dẫn dầu. Các nhà phân tích cho rằng trở ngại vốn không phải là vấn đề lớn trong quan hệ giao dịch giữa Nga với châu Á khi mà Trung Quốc và Nhật Bản là 2 nước có lượng vàng dự trữ cao nhất và nhì thế giới. Trung Quốc có thể cho Nga vay sau đó Nga trả chậm bằng dầu khí. Tập đoàn dầu khí Rosneft trong năm 2013 đã theo phương thức này khi đồng ý khoản vay 80 tỷ USD từ các công ty dầu khí Trung Quốc dựa trên các hợp đồng bán dầu khí của Nga trong tương lai. Một quan chức Nga cho biết 10 - 20 công ty dầu khí của Nga có thể theo phương thức này và điều đó có thể làm vô hiệu hóa mọi lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Rosneft cũng đang mở rộng tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Ấn Độ và đang thảo luận hợp tác cung cấp khí đốt dài hạn cho công ty dầu khí thiên nhiên ONGC, thuộc sở hữu nhà nước của Ấn Độ. Trong ngày 20-3, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp các lãnh đạo châu Âu bàn các biện pháp cấm vận Nga thì một phái đoàn hùng hậu các nhà đầu tư Nga do ông Igor Sechin, Cố vấn Tổng thống Nga và là chủ tịch Rosneft, dẫn đầu dự hội nghị thượng đỉnh về đầu tư giữa Nga và Nhật Bản tổ chức ở Tokyo. Đối với Trung Quốc, phát triển quan hệ với Nga là giải pháp chiến lược để tăng cường an ninh năng lượng. Bắc Kinh có thể dựa vào nguồn cung cấp nhiên liệu từ Nga một khi Mỹ phong tỏa các đường ống dẫn dầu. Với Nhật Bản, tăng cường quan hệ kinh tế với Nga là cách để giảm thiểu nguy cơ Nga trở thành nguồn cung cấp vật liệu thô cho Bắc Kinh.

Theo các nhà phân tích, Mỹ đang đứng trước sự lựa chọn địa chính trị không hề đơn giản, hoặc tiếp tục gây áp lực Tokyo và Seoul nhằm tăng cường cô lập Nga hoặc cho phép các đồng minh châu Á của mình dừng lại ở biện pháp trừng phạt mang tính biểu tượng. Nếu Nhật Bản và Hàn Quốc không làm ăn với Nga, Mátxcơva ắt sẽ nghiêng hẳn về phía Trung Quốc.

THỤY VŨ


0 nhận xét:

Đăng nhận xét