Tổng thống Pháp P.Ô-lăng-đơ đã bổ nhiệm Bộ trưởng Nội vụ M.Van, 51 tuổi, làm Thủ tướng thay ông M.Ây-rôn.
Với quyết định này, thông điệp được Tổng thống Ô-lăng-đơ đưa ra là ông muốn thổi luồng sinh khí mới vào chính phủ của đảng Xã hội, vốn bị cử tri mất lòng tin sâu sắc về năng lực tiến hành các cải cách nhằm đưa nền kinh tế Pháp thoát khỏi khủng hoảng. Tuy nhiên, tân Thủ tướng M.Van và chính phủ mới của ông không dễ vượt qua những thách thức lớn đang đối mặt. Sau thất bại lịch sử tại cuộc bầu cử địa phương vòng hai, trong đó đảng Xã hội (PS) cầm quyền bị mất quyền lãnh đạo tại 155 thành phố có hơn 9.000 dân vào tay cánh hữu đối lập, Tổng thống Pháp P.Ô-lăng-đơ không còn sự chọn lựa nào khác, buộc phải nhanh chóng đưa ra quyết định cải tổ chính phủ nhằm thay đổi các chính sách, đáp ứng mong muốn của cử tri. Một cuộc thăm dò mới đây cho thấy, 86% số người dân Pháp ủng hộ thành lập một chính phủ mới, 79% số người dân Pháp muốn có một thủ tướng mới. Việc thay thế Thủ tướng Ây-rôn được người dân thuộc tất cả các xu hướng chính trị khác nhau mong muốn, trong đó gồm cả 69% số người ủng hộ PS. Việc Tổng thống Pháp Ô-lăng-đơ bất đắc dĩ phải "thay ngựa giữa dòng" diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Pháp tiếp tục lún sâu vào những khó khăn chồng chất. Báo cáo thống kê mới nhất cho thấy, thâm hụt ngân sách của Pháp năm 2013 tăng lên mức 4,3% trong khi nợ công tiếp tục tăng. Như vậy, Pháp không thực hiện được mục tiêu đưa thâm hụt ngân sách về mức 4,1% mà chính phủ đã cam kết, trong khi đó nợ công của nước này tăng lên mức 93,5% GDP năm 2013, cao hơn mức 90,2% năm trước đó. Số người thất nghiệp trong tháng 2 vừa qua tăng lên mức kỷ lục 3,34 triệu người, tăng 0,9% so với tháng 1. Đây được coi là cú giáng mạnh vào uy tín của Chính phủ Pháp. Các con số thống kê nêu trên khiến Ủy ban châu Âu (EC) lo ngại Pa-ri không thực hiện được đúng cam kết, nhất là việc đưa tỷ lệ thâm hụt ngân sách về mức 3,6% trong năm nay và 2,8% trong năm tới. Tổng thống Pháp Ô-lăng-đơ bày tỏ tin tưởng tân Thủ tướng M.Van, vốn nổi tiếng về sự cứng rắn và kiên quyết, đồng thời là thành viên chính phủ nhận được sự ủng hộ cao nhất từ phía cánh tả cũng như cánh hữu, sẽ chèo lái chính phủ mới vượt qua các thách thức lớn đang đặt ra. Ông Ô-lăng-đơ cũng chỉ rõ ba nhiệm vụ cụ thể mà chính phủ mới phải nhanh chóng thực hiện, gồm: khôi phục kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội và tập hợp lực lượng trên cơ sở sự đồng thuận. Nhằm thúc đẩy nền kinh tế Pháp nhanh chóng vượt qua thời kỳ "ốm yếu" và lấy lại "sức mạnh" vốn có của một trong những nền kinh tế đầu tàu ở khu vực châu Âu, Tổng thống Ô-lăng-đơ nhấn mạnh, tân Thủ tướng M.Van và các thành viên trong chính phủ của ông sẽ phải hết sức nỗ lực trong việc thực hiện những chính sách mới. Trong đó, Chính phủ mới cần hiện thực hóa lời hứa và cam kết về việc tạo ra sự thay đổi, giảm tỷ lệ thất nghiệp, phát triển một nền kinh tế xanh và thực hiện công bằng xã hội hơn nữa thông qua những việc làm cụ thể với những "luồng gió" mới. Theo đó, chính phủ cần triển khai "Thỏa ước trách nhiệm" được thể hiện qua việc "giảm các khoản đóng góp cho các doanh nghiệp và người dân để đổi lấy việc doanh nghiệp tăng tuyển dụng và tăng đầu tư vào sản xuất và kinh doanh". Ông cũng chỉ rõ, một ưu tiên của chính phủ là giảm thuế cho người dân trước năm 2017 và giảm đóng góp bắt buộc cho người làm công ăn lương nhằm cải thiện chỉ số tiêu dùng. Mặt khác, Tổng thống cũng yêu cầu phải "sản xuất nhiều hơn, sản xuất tốt hơn, sản xuất trên lãnh thổ nước Pháp", nhằm giúp nước Pháp ít phụ thuộc hơn vào bên ngoài về năng lượng dầu mỏ, hạt nhân, và đi đầu trong việc phát triển công nghiệp xanh. Đứng trước "núi" thách thức lớn, tân Thủ tướng M.Van và chính phủ mới thành lập của ông đã cam kết làm việc hiệu quả và đoàn kết, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ cải cách, đưa nền kinh tế Pháp sớm thoát khỏi sự trì trệ, tạo bước đột phá trong bối cảnh vô cùng khó khăn do di sản của các chính phủ tiền nhiệm để lại và các tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. ĐỨC ANH |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét