Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

[Sức khỏe -Đẹp Plus] - Thương sao răng nhánh hạt huyền

Hình ảnh các bà, các mẹ với hàm răng đen nhánh, có lẽ, đã chìm sâu vào một miền ký ức xa xôi nào đó mà đến ngày nay, lớp trẻ sẽ mãi mãi chẳng thể thấy lại được.

Việt Nam ơi, yêu lắm mái tóc dài!
Quên sao đành dư vị bồ kết
Buồn vui chuyện làm đẹp thời bao cấp
Nhắc tới lại thấy buồn. Buồn vì sự ra đi của một phong tục văn hóa lâu đời, và buồn hơn bởi giới trẻ ngày nay, dường như đại bộ phận trong số họ không còn luyến tiếc những giá trị đẹp đẽ, vốn thuộc về lịch sử vẻ vang của dân tộc ta nữa.Thế nhưng, nhớ lắm những cô gái răng đen thưở trước. Cô nào, cô nấy nhai trầu mà cái miệng cứ ngọt lịm, đôi môi đỏ chót, thỉnh thoảng lại lấp ló một hàm răng đen nhánh khi các cô nhoẻn cười. Đẹp lắm chứ, thân thương lắm chứ, cứ thế, hình ảnh răng đen gắn liền với những miếng trầu từ lúc nào không hay. Về sau mới biết, người xưa nhuộm đen cốt để che đi vết ố vàng, ngả màu trên răng khi nhai trầu. Không chỉ có thế, răng cô nào càng đen, càng óng, thì cô ấy càng được xã hội tôn trọng. Nhà nghèo nhuộm răng, nhà giàu càng phải nhuộm,… và buồn cười nhất là ngay cả đàn ông cũng “mon men” muốn nhuộm răng. Cứ thế, nhuộm răng trở thành công cụ để xã hội đánh giá tư cách, nhân phẩm của một người phụ nữ. Người thời này chúa ghét dân Tàu, chính thế nên, mấy ai dám để răng trắng giống những người bên ấy đâu. Có hàm răng đen nhánh, mới là người Việt Nam!
Ấy thế mà, công đoạn tạo ra giống răng đen ấy lại không hề dễ dàng. Trước khi nhuộm, hàm răng phải sạch bóng, không có bợn, không có bả và sờ tay vào phải cảm thấy trơn láng mới là được. Trong ba ngày, người ta phải đánh răng với hỗn hợp bột được làm từ vỏ cau khô, than và muối sống hầm chín. Sau đó, họ ngậm và súc miệng với chanh pha rượu trắng. Làm như vậy cốt để lớp men mềm đi và tạo thành những vết lõm sần sùi trên bề mặt răng.
Nhuộm răng có hai giai đoạn: nhuộm răng đỏ và nhuộm răng đen. Đợt đầu, người ta phết cao nhuộm lên lá chuối, lá dừa, hoặc lá cau rồi ép vừa in lên hàm răng. Ai nhuộm răng, cả đêm phải nằm ngửa, há mồm và không chạm lưỡi tới lá cao đang “trấn giữ” vòm miệng. Đến sáng, lại phải súc miệng bằng nước mắm hảo hạng để thải hết chất thuốc sử dụng từ đêm qua. Trong khi ăn, chỉ được nuốt chứ không nhai. Mỗi lần ăn xong là phải súc miệng bằng “thuốc xỉa nước”. Hết thời gian, thầy nhuộm sẽ dùng tay miết “thuốc xỉa khô” lên bề mặt răng. Bước cuối cùng này, người ta gọi là công đoạn nhuộm răng đen. Đến đây, người nhuộm sẽ có được một hàm răng hạt huyền đen nhánh mà người ta vẫn khen: “Một thương tóc bỏ đuôi gà,Hai thương ăn nói mặn mà có duyên,Ba thương má lúm đồng tiền,Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua"
Đẹp đẽ đến thế, duyên dáng đến thế, mà sao người ta vẫn cứ quên, vẫn cứ phí hoài mà không biết trân trọng lưu giữ. Mất đi rồi, đến lúc ấy người ta mới thấy tiếc. Phải chăng là vậy, thảo nào con gái thời nay không mấy ai thích ăn trầu, thích nhuộm răng đen và lưu luyến nhiều tới nếp sống xưa cũ của cha ông ta ngày đó.T.H (Depplus.vn/MASK)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét